Viral Marketing là gì

Ngày đăng: 22/12/2020
Có hàng ngàn thông tin, video, hình ảnh được đăng tải trên mạng mỗi ngày mà ngay bản thân chúng ta không thể cập nhật hết. Tuy nhiên, vẫn có những thông tin hoặc video được chia sẻ với tốc độ chóng mạnh tạo nên hiệu ứng cho cả cộng đồng mạng. Trong trường hợp đó, mọi người gọi đó là Viral Marketing. Vậy Viral Marketing thực chất là gì? Và điều gì tạo nên Viral Marketing?

Ngày nay, sự ra đời và phát triển của Internet đã thay đổi hoàn toàn hành vi của mọi người. Quỹ thời gian trong ngày phần lớn dành cho việc truy cập Internet phục vụ công việc, giải trí, kết nối mọi người. Chính vì vậy, mà có hàng ngàn thông tin, video, hình ảnh được đăng tải trên mạng mỗi ngày mà ngay bản thân chúng ta không thể cập nhật hết. Tuy nhiên, vẫn có những thông tin hoặc video được chia sẻ với tốc độ chóng mạnh tạo nên hiệu ứng cho cả cộng đồng mạng. Trong trường hợp đó, mọi người gọi đó là Viral Marketing. Vậy Viral Marketing thực chất là gì? Và điều gì tạo nên Viral Marketing? Hãy cùng Brandinfo tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.

1. Viral Marketing là gì?

Viral được ví như hình ảnh con virus, nó có thể lây lan bệnh tật từ người này qua người khác với tốc độ rất nhanh. Đặc biệt là virus Corona - loại virus gây nên không ít đau đầu cho các chính phủ trên toàn thế giới. Tuy nhiên, đối với Marketing thì đây lại là mục tiêu mà bất cứ doanh nghiệp nào đều muốn hướng tới.

Viral Marketing - Tiếp thị lan truyền là chiến lược Marketing nhằm thúc đẩy, khuyến khích hành vi chia sẻ, lan tỏa thông điệp của một cá nhân nào đó đến cá nhân khác hoặc cộng đồng tạo nên nhận thức về thương hiệu hay một mục tiêu Marketing nhất định.

Hình thức này bản chất là cách mọi người luôn truyền tai hay mách nhỏ nhau về một sản phẩm/ dịch vụ mà bạn cảm thấy hài lòng, hay một nội dung nào đó mà họ cảm thấy ấn tượng.

Chiến dịch Viral Marketing là cách mà doanh nghiệp sử dụng chính khách hàng của mình để marketing cho thương hiệu một cách tự nhiên nhất. Điều này không những nhận được nhiều sự tin cậy từ phía khách hàng hơn mà còn mở rộng vị thế thương hiệu một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, đây là chiến lược khá thụ động vì doanh nghiệp không thể chắc chắn rằng liệu sự chia sẻ của khách hàng về sản phẩm với thái độ tích cực hay tiêu cực.

Bạn chắc hẳn đã nghe đến giai điệu quen thuộc “Cùng Shopee pi pi pi… Nào ta mua mua mua…”. Không chỉ nổi lên như hiện tượng ở trong nước, giai điệu này còn vang lên ở khắp nơi trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Singapore… Tính đến tháng 12/2020, video đã đạt con số 65 triệu view. Chính vì lấy từ giai điệu đã quá viral Baby Shark đã tạo nên những ấn tượng tích cực cho thương hiệu này.

2. Phương thức hoạt động của chiến dịch Viral Marketing

Phương thức hoạt động của chiến lược này tương đối đơn giản. Trước hết, bạn cần tạo một video hay một content về mục tiêu nhất định tới khách hàng, sau đó chia sẻ chúng lên các trang mạng xã hội và làm bước đầu để tác động vào sự chuyển động của chúng. Nếu video hay nội dung của bạn thực sự thu hút và tạo dấu ấn đối với người dùng, họ sẽ tự động chia sẻ quảng cáo của bạn đến nhiều người khác, thậm chí số người dùng tiếp cận quảng cáo có thể tăng theo cấp số nhân.

Tuy nhiên, có những chiến dịch không thực sự hướng đến mục tiêu Viral Marketing vẫn có thể tạo nên trào lưu khi nội dung sáng tạo tác động đến cảm xúc khách hàng.

3. Viral Marketing đem lại lợi ích gì cho doanh nghiệp?

  • Tiết kiệm chi phí

Để có một chiến dịch truyền thông đòi hỏi một quá trình dài và cần tích hợp nhiều công cụ được thực hiện một cách xuyên suốt và tập trung vào một mục tiêu nhất định. Không chỉ quảng cáo trên TV, các trang mạng xã hội, PR… còn cần những chiến dịch khuyến mãi, giảm giá… nhằm thúc đẩy hành vi mua của khách hàng.

Nhưng khi tạo được tiếng vang về thương hiệu của mình, thay vì bỏ ra nhiều chi phí quảng cáo sản phẩm, chính khách hàng sẽ thay doanh nghiệp truyền tải thông điệp, nội dung đến khách hàng và đem lại hiệu quả hơn rất nhiều.

  • Tiềm năng tiếp cận lớn

Viral Marketing tạo nên sự bùng nổ truyền thông trong thời gian ngắn. Khả năng lan truyền thông tin của Viral rất khó đo lường được bởi tốc độ chóng mặt.

Bạn thường thấy, có thể sau một đêm bỗng dưng một thương hiệu nào đó dễ dàng phổ biến ở khắp các mặt báo, các kênh social hay trên truyền hình. Nhưng đằng sau sự thành công vang dội này có khi là quá trình dài đằng đẵng của cả một tập thể.

  • Tăng độ nhận diện thương hiệu

Nội dung mang tính viral thường được nhiều người chia sẻ, tạo nên sự lặp đi lặp lại cho người đọc. Vô tình quá trình này tạo sự ghi nhớ về thương hiệu trong nhận thức khách hàng. Một khi sản phẩm hay dịch vụ được nhiều người nhắc rất dễ tạo lòng tin với những khách hàng khác.

Chẳng hạn bạn thấy quảng cáo về quần áo của một thương hiệu nào đó, sau vài lần xuất hiện trên newfeed, bạn sẽ sinh ra xu hướng tò mò và vào fanpage đó để xem thêm về sản phẩm. Đây là cách mà cách các doanh nghiệp thu hút chú ý của khách hàng và tăng nhận thức về thương hiệu

Từ đó dành hình thành nhu cầu mua sản phẩm góp phần tăng doanh số cho doanh nghiệp.

  • Không chiếm quá nhiều nội dung

Quyết định tham gia hay chia sẻ hay không hoàn toàn phụ thuộc vào khách hàng. Chính vì thế, điều này sẽ không lấn chiếm vị trí hay thời gian của các quảng cáo khác. 

Thay vì phải ép khách hàng xem hay nghe những quảng cáo mà họ không hứng thú như như quảng cáo truyền thống, viral marketing đem sự lựa chọn đến với khách hàng. Người dùng chia sẻ thông điệp một cách tự nguyện và tích cực.

4. Để thực hiện một chiến dịch Viral Marketing đòi hỏi những yếu tố nào?

  • Hướng đến cảm xúc người đọc/người nghe

Bản chất của Viral Marketing là tập trung đến cảm xúc khách hàng. Nếu người dùng cảm thấy bài viết hoặc video thú vị và phù hợp với những cảm xúc, tâm lý của họ, họ sẽ sẵn sàng chia sẻ nó cho mọi người. Neptune đã thực sự thành công khi tạo ra những video quảng cáo về sự sum họp gia đình vào mỗi dịp Tết Xuân về. Khi mà lòng ai cũng nao nức được trở về nhà sau một năm lao động vất vả, miệt mài, chiến đấu với những nỗi lo toan, mọi người đều muốn trở về nơi bình yên sau cánh cửa. Lời ca sâu lắng với những thông điệp giản đơn, lắng đọng đã nhận được rất nhiều sự yêu thích từ người xem và hàng ngàn lượt chia sẻ.

  • Tạo nên dấu ấn khác biệt

Ai cũng muốn trải nghiệm thử những điều mới mẻ giữa vòng xoay lặp lại của cuộc sống. Vậy nên những quảng cáo đặc biệt sẽ dễ thu hút người đọc/ người xem chú ý đến hơn. 

Chiến dịch Mua hàng điện máy - Đến Điện máy xanh đã từng làm mưa làm gió trên nhiều trang mạng xã hội. Với hình ảnh đội quân người xanh xuất hiện tại khu vực trung tâm Hà Nội và Hồ Chí Minh cùng với TVC khuấy động không khí với giai điệu vui vẻ, hài hước. Điện máy xanh đã thực sự tạo nên dấu ấn cực kỳ ấn tượng đối với khách hàng mà không cần sự tham gia của bất kỳ người nổi tiếng nào.

  • Xây dựng nội dung hấp dẫn

Những content càng mang nhiều giá trị càng dễ lan truyền trên các trang mạng xã hội. Bởi bản thân mọi người đều muốn chia sẻ những nội dung như vậy với những người xung quanh. Tùy thuộc vào từng mặt hàng bạn cung cấp, bạn nên lựa chọn những thông tin bổ sung phù hợp.

Hơn hết, bạn nên đảm bảo tính sáng tạo trong content, hạn chế tối đa sự trùng lặp về nội dung. Bởi không một khách hàng muốn dành thời gian để đọc những thông tin lặp đi lặp lại. Hoặc bạn có thể dùng những nội dung đó và tiếp cận theo nhiều hướng khác nhau.

Nội dung độc đáo mang ý nghĩa văn học châm biếm những vấn đề nổi cộm của xã hội chính là lí do khiến những video của 1977 VLog tạo nên hiện tượng trên mạng xã hội. Cách xây dựng nội dung này như một món ăn tinh thần mới đối với người xem, tạo cho họ cảm giác thú vị, mới lạ. Nhờ vậy đã giúp 1977 trở nên nổi bật, được nhiều người biết đến hơn nhờ những clip mang tính Viral cao như thế này.

 

  • Kêu gọi hành động

Lan truyền mạnh mẽ là toàn bộ ý tưởng của viral marketing. Do đó bạn cần đảm bảo rằng chiến dịch của mình luôn dễ dàng kết nối và chia sẻ công khai trong cộng đồng khi người đọc cảm thấy thú vị với thông điệp mà bạn đưa ra.

5. Các bước cụ thể cho việc tạo dựng chiến dịch Viral Marketing

Bước 1: Khảo sát và nghiên cứu khách hàng, thị trường

Mọi kế hoạch Marketing đều phải thực hiện dựa vào những nhu cầu, mong muốn của khách hàng tại thời điểm đó để có thể tối đa hóa hiệu quả. Bên cạnh việc thiết kế sản phẩm phù hợp, trong lĩnh vực truyền thông, các doanh nghiệp cũng cần trả lời được những câu hỏi như:

  • Khách hàng đang muốn xem gì, nghe gì, đọc gì?

  • Nội dung mà tác động đến sự chia sẻ của khách hàng là gì?

  • Làm sao để khách hàng chia sẻ một cách thuận tiện nhất?

Bên cạnh khách hàng, doanh nghiệp cũng cần hiểu được thị trường đang biến động ra sao, đối thủ cạnh tranh như thế nào? Thời điểm doanh nghiệp ra mắt sản phẩm có thực sự phù hợp hay không?

Bước 2: Xác định mục tiêu và thông điệp

Mỗi chiến dịch Viral Marketing cần có một thông điệp xuyên suốt để tạo nên mục tiêu chiến lược và tránh tạo ra sự mơ hồ cho khách hàng trong quá trình truyền tải thông điệp. 

Việc bạn nghiên cứu khách hàng và thị trường sẽ giúp doanh nghiệp xác định đúng thị trường và khách hàng mục tiêu. Khi đã lựa chọn khách hàng mục tiêu, công ty sẽ có những mục tiêu cụ thể hướng đến đối tượng này. 

Ví dụ như Biti’s - một thương hiệu có tiếng trên thị trường, tuy nhiên khi muốn mở rộng thị trường đến nhóm khách hàng trẻ tuổi. Dù là thương hiệu nội địa nhưng đã im hơi lặng tiếng nhiều năm, Biti’s đối mặt với nhiều thử thách để đem đến sự đột phá cho thương hiệu. Công ty để thể hiện tinh thần “đi và trải nghiệm” của người trẻ và thay lời của họ: “Đi để trở về”. Thông điệp này được truyền tải thông qua MV “ Đi để trở về” 1 và 2 một cách gần gũi nhất, tạo nên cảm xúc và dấu ấn đối với giới trẻ.

Bước 3: Xây dựng nội dung

Dù bạn có một thông điệp hay đến đâu thì vẫn cần đến một nội dung ý nghĩa để có thể truyền tải được. Nội dung viral có thể được xây dựng dưới dạng hình ảnh, video, bài viết… đảm bảo phù hợp với định hướng của từng doanh nghiệp.Hơn hết, thứ thúc đẩy hành động của người dùng chính là cảm xúc, vì vậy xây dựng nội dung truyền đạt được cảm xúc cho người xem là thành công trong bước xây dựng nội dung.

Trong chiến dịch “Đi để trở về” Biti’s lựa chọn hình thức dưới dạng tạo ra cuộc tranh luận về vấn đề “Đi hay về” trên mạng xã hội và sau đó là câu trả lời bằng MV của Soobin Hoàng Sơn cùng với màn product placement đầy tranh cãi trong MV Lạc trôi của Sơn Tùng M-TP.

Bước 4: Phân phối nội dung

Chính bạn là người đầu tiên chủ động lan truyền những nội dung đó trực tiếp đến đối tượng khách hàng mục tiêu dưới nhiều các phương tiện truyền thông phù hợp. Đây là bước quan trọng nhất sau khi nội dung được sản xuất, bởi sẽ chẳng ai biết tới nếu không có sự phân phối và lan truyền nó.

Nếu ngày xưa nội dung chỉ được phân phối trên các phương tiện truyền thông truyền thống rất khó để tạo được sự lan truyền. Nhưng hiện nay, sự bùng nổ của các phương tiện truyền thông xã hội là những kênh phân phối cực kỳ hiệu quả cho chiến dịch Viral Marketing. Thông qua các kênh truyền thông như youtube, facebook, blog, diễn đàn… nội dung không những được tiếp cận với nhiều người mà còn được lan truyền thông qua nút chia sẻ nếu họ cảm thấy thích thú.

Đối với các kênh quảng cáo truyền thống, rất khó để doanh nghiệp có thể tạo nên hiệu ứng lan truyền trong cộng đồng người tiêu dùng. Nhưng giờ đây với sự hỗ trợ đắc lực của mạng xã hội , bạn hoàn toàn có thể sử dụng chúng như một cách phân phối thông tin cực kỳ hiệu quả. Những kênh truyền thông như YouTube, Facebook, các forum, blog… giúp nội dung của bạn tiếp cận với lượng khách hàng lớn hơn và thuận tiện cho việc chia sẻ nội dung của người dùng.

Ví dụ: Chiến dịch “Đi để trở về” được phân phối trên nhiều các phương tiện truyền thông khác nhau như:

  • YouTube

  • Diễn đàn

  • KOL

Bước 5: Theo dõi và đánh giá chiến dịch

Đúng là chiến dịch Viral Marketing đem lại rất nhiều lợi ích to lớn cho doanh nghiệp. Nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có thể thành công với các chiến dịch Viral Marketing. Trong suốt quá trình thực hiện chiến dịch. doanh nghiệp cần luôn theo dõi và đánh giá hiệu quả của từng giai đoạn. Để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp với mục tiêu và xu hướng ra mắt chiến dịch đảm bảo chiến dịch diễn ra một cách hiệu quả nhất.

Khi chiến dịch Viral Marketing diễn ra thường sẽ có 3 trường hợp xảy ra:

  • Người dùng hài lòng và tạo ra những phản ứng tích cực đối với thương hiệu

  • Không tạo nên yếu tố viral

  • Người dùng có những phản ứng tiêu cực với nội dung Viral

Việc đánh giá và theo dõi một chiến dịch Viral Marketing đang triển khai giúp bạn tìm được những điểm yếu ở chiến dịch lần này để tối ưu lại tốt hơn trong những chiến dịch tiếp theo. Đồng thời, hiểu được khách hàng mục tiêu của mình yêu thích điều gì để phát huy trong tương lai.

Lời kết

Hy vọng với những thông tin ở trên, Brandinfo đem đến cho bạn kiến thức tổng quan về Viral Marketing và quy trình để xây dựng nó hiệu quả. Mong rằng bạn có thể ứng dụng và tạo được chiến dịch thu hút. tối ưu hiệu quả cho doanh nghiệp của mình.

Tìm hiểu thêm các bài viết về Marketing tại blog Brandinfo nhé

Kích thước font In ấn

Bình luận chia sẻ

Marketing
Thông tin liên hệ
Công ty Cổ phần Thông tin Thương hiệu
Tại Hà Nội

69 B1, Lạc Trung - Hai Bà Trưng - Hà Nội.
Điện thoại: 08.3456.8179 
Email: contact@brandinfo.biz
Tại Hải Dương
121 Đặng Quốc Chinh - P. Lê Thanh Nghị - TP . Hải Dương.
Điện thoại 02203.862345 - Hotline : 09836.21121
Email: contact@brandinfo.biz