Truyền thông là quá trình mang tính chiến lược khi doanh nghiệp tích hợp hiệu quả các công cụ để hướng tới thay đổi, duy trì và phát triển nhận thức, cảm xúc, hành vi của công chúng nhận tin mục tiêu. Một trong những điều quan trọng và thiết yếu trong quá trình truyền thông là truyền tải thông điệp của doanh nghiệp tới khách hàng. Vậy thông điệp là gì và làm sao để thực hiện nó một cách hiệu quả? Hãy cùng Brandinfo tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.
1. Thông điệp truyền thông là gì?
Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng trong một ngày người bình thường tiếp nhận từ 3000 - 4000 thông tin Marketing. Với một khối lượng thông tin khổng lồ như vậy rất khó để người tiêu dùng có thể dung nạp hết. Vậy nên thông điệp truyền thông là cách tốt nhất mà bạn có thể khiến cho họ nhận thức và hướng sự chú ý đến thương hiệu.
Thông điệp truyền thông - Media Message là nội dung mà doanh nghiệp muốn truyền tải hoặc phương thức hướng người tiêu dùng biết đến tầm nhìn và sứ mệnh. Bạn cũng có nhìn nhận về thông điệp truyền thông thông qua những quan điểm sau:
- Thông điệp truyền thông là cụm từ, câu hoàn chỉnh, dấu hiệu, biểu tượng hay phương tiện truyền tải ý nghĩa nội dung cụ thể tới công chúng nhận tin mục tiêu
- Thông điệp truyền thông còn có thể hiểu là cách mà các ý tưởng, suy nghĩ được diễn đạt một cách gọn gàng, kín đáo với những hình thức thích hợp để truyền tải đến đối tượng nhận tin.
- Thông điệp truyền thông là các nội dung được mã hóa dưới dạng các yếu tố minh họa phụ thuộc vào điều kiện các công cụ và phương tiện truyền tải như âm thanh, hình ảnh, chữ…
Dưới góc nhìn của những người làm Marketing, Thông điệp truyền thông là biểu hiện mà những nhà quản trị Marketing muốn đối tượng nhận tin lưu lại trong tâm trí tác động đến nhận thức, cảm xúc và hành vi của họ với mục tiêu chiến lược là đóng góp vào giá trị thương hiệu.
2. Tại sao doanh nghiệp lại cần đến thông điệp truyền thông?
Vai trò lớn nhất mà thông điệp truyền thông đem lại chính là sự thay đổi tích cực trong nhận thức, cảm xúc và hành vi của công chúng mục tiêu với thương hiệu. Bởi bất cứ doanh nghiệp nào cũng muốn thương hiệu mình có được dấu ấn trong tâm trí của khách hàng, bên cạnh yếu tố về cảm xúc, họ còn có thể tạo nên lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ cùng ngành.
Một thông điệp truyền thông sáng tạo sẽ:
+ Thu hút thêm nhiều sự chú ý của khách hàng hơn về thương hiệu
+ Tạo nên tính nhắc nhở và cân nhắc đến sản phẩm của thương hiệu đầu tiên khi khách hàng nảy sinh nhu cầu
+ Là động lực để khách hàng tìm kiếm nhiều thông tin về sản phẩm
+ Thông tin sẽ được xử lý ở mức độ sâu hơn giúp khách hàng nắm bắt thêm nhiều giá trị doanh nghiệp đem lại.
3. Các dạng thông điệp phổ biến
Hiện nay, hầu hết các thông điệp truyền thông đều được xếp vào 2 loại chính và sẽ được áp dụng một cách đa dạng cho từng thời điểm và từng loại sản phẩm phù hợp mục tiêu chiến lược của doanh nghiệp/ tổ chức
3.1. Thông điệp truyền thông theo giọng điệu
Thông điệp truyền thông không chỉ cần nắm bắt và tác động các xu hướng tâm lý học của khách hàng mà còn phải thể hiện những ý nghĩa nội dung của doanh nghiệp một cách bao quát với giọng điệu phù hợp. Giọng điệu này nên được điều chỉnh để phù hợp với tính chất và đặc trưng riêng của từng sản phẩm.
Ta có thể lấy ví dụ về sản phẩm website của Brandinfo với những giọng điệu khác nhau để bạn có thể dễ dàng so sánh và nhận định.
+ Giọng điệu mang tính thông tin: Website là cửa hàng trực tuyến, là công cụ giúp bạn tiếp cận và tăng lợi nhuận từ nguồn khách hàng trên Internet
+ Giọng điệu mang tính đe dọa: Nếu không sử dụng website của Brandinfo, bạn đang tự đánh tụt doanh nghiệp mình lại phía sau giữa thời đại công nghệ số.
+ Giọng điệu mang tính khuyến khích: Hãy sử dụng website của Brandinfo là cách bạn đưa doanh nghiệp mình nâng tầm giá trị thương hiệu.
3.2. Thông điệp truyền thông theo mục đích
Mục đích của các doanh nghiệp/ tổ chức là không giống nhau đã tạo nên sự khác biệt hóa trong việc tạo dựng thông điệp truyền thông. Ở mỗi lĩnh vực, sản phẩm, thông điệp truyền thông đòi hỏi những yêu cầu sáng tạo riêng
Mục đích chính trị, xã hội: thông điệp đưa ra nhằm tuyên truyền, thay đổi nhận thức và hành vi của công chúng. Một ví dụ thực tế nhất hiện nay như “Không tập trung nơi đông người để tránh lây nhiễm dịch bệnh Covid - 19” hay thông điệp ý nghĩa của OMO “ trồng cây, trồng trải nghiệm”.
Mục đích về thương mại: là cách định vị thương hiệu, sản phẩm tới nhận thức của công chúng nhận tin mục tiêu như “ Nước khoáng Lavie - Một phần tất yếu của cuộc sống”
>> Tìm hiểu thêm về Aida
>> Kiến thức về Hành vi người tiêu dùng
4. Nguyên tắc tạo nên “slogan” hiệu quả
● Đơn giản, súc tích, dễ nhớ, dễ hiểu
Thay vì những slogan cồng kềnh với nhiều từ ngữ hoa mỹ, thông điệp ngắn gọn, bao được hàm ý sẽ dễ đi vào nhận thức của khách hàng hơn như cách mà các ông lớn trên thế giới ở các lĩnh vực đã làm “Just do it” của Nike hay “Think different” của Apple
● Chân thật, tạo được niềm tin và tính chính xác
Những thông điệp không mô tả thực chất về sản phẩm và mô tả một cách phóng đại sẽ gây nên sự mất thiện cảm của người tiêu dùng. Có thể thấy điều này ở Carlsberg “Probably the best beer in the world” - slogan mang tính đề cao đẳng cấp sản phẩm nhưng lại rất khó đập tan sự hoài nghi của khách hàng và sẽ bị phản tác dụng gây nên cảm giác tầm thường cho thương hiệu.
● Từ ngữ phổ biến, thông dụng
Mỗi khách hàng sẽ có hiểu biết nhất định về các lĩnh vực khác nhau vậy nên việc sử dụng các từ ngữ chuyên ngành, đặc biệt sẽ khó để phù hợp với hầu hết công chúng nhận tin. Thay vào đó những từ ngữ phổ thông lại dễ dàng tiếp cận hơn và khiến khách hàng nhanh chóng nhớ được sản phẩm. Prudential sở hữu một slogan đáp ứng tốt yêu cầu này - “Luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu”.
● Sự bắt mắt, thu hút trong câu từ và hình thức thể hiện
Là cách doanh nghiệp nắm bắt được sự quan tâm của khách hàng tới thương hiệu
● Thông điệp phải có sự liên kết với chủ đề
Bạn sáng tạo một thông điệp hay, thu hút nhưng điều này sẽ không có ý nghĩa nếu như nó không gắn với mục tiêu và lợi ích của sản phẩm đó. Nó sẽ không có khả năng tác động đến hành vi mua của khách hàng dù họ có cho rằng slogan đó thú vị.
● Phù hợp với văn hóa, phong tục, tín ngưỡng của đối tượng
Sư bất cẩn trong việc nghiên cứu thị trường địa phương có thể gây ra những sai lầm nghiêm trọng cho chính doanh nghiệp. Khi ra mắt tại thị trường Trung Quốc, Pepsi đã phát hành sản phẩm với slogan “Pepsi mang bạn trở về với cuộc sống” nhưng lại được dịch thành nghĩa “Pepsi mang tổ tiên của bạn trở về từ thế giới bên kia”. Đây là một tình huống khá hài hước nhưng lại tạo nên rào cản cho bước tiến phát triển toàn cầu hóa của Pepsi.
● Sự ảnh hưởng về vật chất lẫn trạng thái tâm lý cũng có thể tác động đến hành vi, tinh thần của con người
Slogan “Mãnh liệt tinh thần Việt Nam” của Vinfast đã tác động trực tiếp đến tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc của người Việt Nam từ đó tác động đến cảm xúc và hành vi của họ.
5. Quy trình sáng tạo thông điệp thu hút
Theo James Webb Young - Chủ tịch đầu tiên của Hội đồng quảng cáo, quy trình sáng tạo thông điệp nên được chia thành 5 bước.
5.1. Suy xét - Thu thập thông tin, dữ liệu
Mỗi doanh nghiệp đều có những định hướng cụ thể về thị trường mục tiêu, công chúng nhận tin mục tiêu là ai? Việc mà bạn cần làm là thu thập những thông tin cần thiết về các đối tượng này. Việc nắm bắt được insight của khách hàng sẽ giúp thu hút được sự chú ý của họ và tạo nên giá trị cho doanh nghiệp. Có nhiều các phương thức khác nhau mà doanh nghiệp có thể áp dụng để thu thập thông tin như khảo sát, nhân feedback hay các cuộc phỏng vấn chuyên sâu... cần khai thác triệt để những thông tin liên quan đến sản phẩm, thương hiệu, đối thủ cạnh tranh…
5.2. Xử lý - khai thác và xử lý thông tin
Những thông tin sau khi được thu thập cần được nhóm lại để đưa ra một Insight chung nhất của khách hàng về thương hiệu. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp đánh giá được những khía cạnh nào của khách hàng mà họ đã đạt được và cần điều chỉnh gì để đem lại giá trị cao nhất cho công chúng mục tiêu. Tùy vào điều kiện của mỗi doanh nghiệp/ tổ chức mà bạn có thể lựa chọn được ý tưởng chính cho thông điệp một cách phù hợp theo các tiêu chí như ưu thế sản phẩm độc nhất, hình ảnh thương hiệu khác biệt, dựa trên lợi ích và đặc tính hay định vị thương hiệu. Để từ đó lựa chọn phương thức thực hiện hợp lý.
5.3. Ấp ủ - Biến vấn đề thành hành động, thực hiện sáng tạo
Sau khi xử lý dữ liệu và nhận định sẽ giúp các cá nhân nảy sinh ra những ý tưởng sáng tạo và vận dụng các kỹ thuật cho ý tưởng một cách linh hoạt. Các ý tưởng được đưa ra để bàn bạc và phát triển thành ý tưởng chung mang tính thuyết phục và hiệu quả nhất.
5.4. Khai thông - Nảy sinh ý tưởng
Việc chọn lựa này sẽ được tiến hành thông qua buổi họp CRC (Creative Review Committee). Dựa trên quy tắc đánh giá quảng cáo SMILE để chọn ra ý tưởng đáp ứng và đúng các điều kiện nêu trong bản yêu cầu sáng tạo.
5.5. Kiểm tra, điều chỉnh - Hình thành ý tưởng đúng yêu cầu thực tiễn
Các mẫu ý tưởng sẽ được phác thảo dưới dạng các mẫu quảng cáo báo hay các kịch bản phim. Và sẽ được giới thiệu trước khách hàng trong buổi trình bày ý tưởng. Từ đó sẽ cái nhìn khách quan về ý tưởng và tính khả thi của nó đảm bảo nhận được thông điệp truyền thông hiệu quả nhất. Điều này sẽ giúp tiết kiệm chi phí nhưng vẫn ảnh hưởng tích cực đến nhận thức và hành vi của công chúng nhận tin mục tiêu.
Lời kết
Hy vọng với những thông tin ở trên, Brandinfo đem đến cho bạn kiến thức tổng quan về Thông điệp truyền thông và quy trình để xây dựng nó hiệu quả. Mong rằng bạn có thể ứng dụng và tạo được slogan đầy thu hút.
Tìm hiểu thêm các bài viết về Marketing tại blog Brandinfo nhé